HƠI THỞ CÓ MÙI HÔI DO ĐÂU? CÁCH KHẮC PHỤC NHƯ THẾ NÀO?

Hơi thở có mùi hôi không chỉ khiến bạn cảm thấy tự ti trong trong giao tiếp, khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày mà nó còn là một trong những biểu hiện cảnh báo bạn đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Vậy hơi thở có mùi hôi do đâu và làm sao để cải thiện tình trạng này. Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Hơi thở có mùi hôi do đâu?

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hôi miệng và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất.

1.1. Hôi miệng do vi khuẩn

Một số trường hợp gặp vấn đề hôi miệng vì các vi khuẩn kỵ khí phân giải protein Gram âm. Những vi khuẩn này thường xuất hiện tại những vùng ứ đọng của miệng, chẳng hạn như ở kẽ giữa các răng, bề mặt lưỡi, hay các túi nha chu hoặc ở những răng bị sâu,… Chúng chính là tác nhân khiến cho hợp chất sulphur dễ bay hơi được và tạo ra mùi hôi, khó chịu.

1.2. Hôi miệng do một số nguyên nhân tạm thời

Một số nguyên nhân tạm thời có thể gây hôi miệng, cụ thể như sau:

  • Hơi thở có mùi khi ngủ dậy

Vai trò của nước bọt chính là giúp chúng ta làm sạch khoang miệng và giảm nguy cơ gây mùi hôi trong miệng. Nhưng khi chúng ta ngủ một giấc dài, nghĩa là lượng nước bọt tiết ra không đủ và vì thế khuẩn bệnh sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn dẫn đến gây mùi cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện sau khi vệ sinh răng miệng và đây là vấn đề bình thường, không gây hại cho sức khỏe.

  • Vệ sinh miệng không tốt

Vấn đề vệ sinh miệng là rất quan trọng. Nếu bạn lười vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh chưa đúng cách thì cơ thể sẽ xuất hiện mùi hôi và khiến bạn dễ dàng gặp phải những bệnh về răng miệng. Những người đang bị sâu răng, càng nên chú trọng nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh răng miệng.

  • Do ăn những thực phẩm dễ gây mùi

Một số loại gia vị dễ dàng khiến cho hơi thở của bạn “nặng mùi” hơn đó là hành, tỏi, hay một số loại thực phẩm khác như củ cải, súp lơ,… Có thể mùi thực phẩm sẽ hết sau ăn khoảng 1 đến 2 tiếng. Tuy nhiên, khi bạn ợ hơi hoặc nói chuyện, mùi hôi, khó chịu vẫn có thể nhận biết khá rõ.

Thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia cũng chính là những nguyên nhân hàng đầu khiến cho cơ thể của bạn có mùi. Trong đó, hút thuốc lá có thể làm tăng hợp chất tạo mùi hôi và khiến nước bọt tiết ít hơn bình thường, từ đó dẫn tới chứng hôi miệng. Còn đối với những người thường xuyên uống rượu, khoang miệng cũng sẽ thường xuyên bị “nặng mùi”. Hơn nữa, trong rượu còn có chứa cồn, đây là tác nhân gây khô miệng, hôi miệng, nhất là khi bạn ngủ sau khi uống rượu.

Một số sản phẩm từ sữa cũng là các tác nhân kích thích giải phóng các amino axit chứa rất nhiều sulphur và dễ dẫn đến hôi miệng.

1.3. Hôi miệng do những nguyên nhân từ trong miệng

Một số nguyên nhân từ trong miệng khiến bạn gặp phải tình trạng hơi thở có mùi:

  • Bệnh nha chu và nướu: Chẳng hạn như những người mắc bệnh về viêm nướu, viêm nha chu hay viêm quanh thân răng,… sẽ gặp phải vấn đề trong hơi thở.
  • Vết loét miệng.
  • Các trường hợp bị giảm tiết nước bọt có thể do tuổi tác, cũng có thể do sử dụng một số loại thuốc, xạ trị, hoá trị, hoặc mắc hội chứng Sjogren.
  • Nhiễm nấm candida.
  • Các trường hợp mắc bệnh viêm ổ răng khô, bệnh về xương và một số bệnh ác tính khác.

1.4. Hôi miệng do những nguyên nhân khác

Bệnh nhân bị bệnh viêm xoang, viêm mũi, viêm amidan,… và nhiều vấn đề về hô hấp khác cũng có thể xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi.

Bệnh về dạ dày – ruột: Đối với những bệnh nhân mắc bệnh về dạ dày, ruột, đặc biệt là những trường hợp bị trào ngược dạ dày – thực quản thì đây chính là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng hôi miệng.

Những bệnh nhân mắc tiểu đường, mắc bệnh về gan, thận,… thì có nguy cơ dẫn tới khoang miệng xuất hiện tình trạng có mùi ketone do sự phân huỷ mỡ.

Hội chứng mùi cá ươn: Đây là hội chứng hiếm gặp. Bệnh nhân gặp phải tình trạng rối loạn chuyển hóa trimethylamine trong thực phẩm có mùi tanh. Vì thế, dù có những biện pháp vệ sinh khoang miệng tốt nhưng bệnh nhân vẫn khó tránh khỏi mùi hôi trong hơi thở.

2. Các phương pháp cải thiện tình trạng hôi miệng

Để cải thiện tình trạng hôi miệng, điều cần làm đó là tìm ra nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây để giữ cho cơ thể luôn thơm mát:

  • Vệ sinh răng miệng đầy đủ và đúng cách

Mỗi chúng ta cần chú trọng đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Đây không chỉ là cách làm sạch răng, làm giảm mùi hôi miệng mà còn giúp răng luôn chắc khỏe, giúp bạn tự tin trong giao tiếp.

Nên đánh răng 2 lần mỗi ngày và mỗi lần đánh răng khoảng 2 phút. Lưu ý, sau khi ăn, bạn không nên đánh răng ngay lập tức, thay vì thế hãy chờ khoảng 30 phút sau ăn mới vệ sinh răng miệng. Nguyên nhân là vì sau khi ăn, axit tấn công men răng và khiến răng dễ bị tổn thương. Trong khi đánh răng, bạn đừng quên chải lưỡi vì đây cũng là nơi có chứa nhiều vi khuẩn.

Không nên sử dụng bàn chải quá lâu. Nên thay bàn chải mới sau 3 tháng sử dụng.

Nên lựa chọn loại kem đánh răng có chứa flour.

Không nên dùng tăm mà nên lựa chọn chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

Có thể dùng nước súc miệng để hơi thở của bạn thơm mát, dễ chịu hơn.

  • Hạn chế ăn uống những thực phẩm dễ tạo mùi

Không nên hút thuốc, uống rượu và hạn chế uống cà phê cũng là cách giúp bạn giảm thiểu tình trạng mùi hôi trong hơi thở. Thay vào đó, bạn nên uống nước nhiều hơn để kích thích khoang miệng tiết nước bọt, làm sạch miệng và giảm mùi hôi.

Nếu sắp có những việc cần giao tiếp nhiều, bạn không nên ăn các loại gia vị như hành, tỏi,… để ngăn ngừa hơi thở có mùi hôi.

  • Điều trị bệnh lý

Nếu hơi thở có mùi là do bệnh lý, bạn cần phải khắc phục bệnh lý. Nên đến khám để được bác sĩ tư vấn điều trị. Đây là cách giúp bạn lấy lại sự tự tin trong giao tiếp và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *